Xin chào! Bạn có thể Đăng nhập hoặc Đăng kí.
EnglishVietnamese

Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam

Thời gian đăng: 02-03-2015 17:57 | 896 lượt xemIn bản tinIn bản tin

Những điều chưa biết về nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Vào tháng 9 năm 1945, khi đất nước ta mới dành được độc lập từ thực dân Pháp, nền kinh tế gặp muôn vàn khó khăn. Thêm vào đó tiền tệ chưa được củng cố, chưa được ra đời cho nền độc lập mới. Trong lúc đó, quân Tưởng ở miền Bắc đã tung tiền “quan kim” để cạnh tranh với đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp và phá hoại nền kinh tế của ta.

 

Di tích lịch sử cách mạng " Nhà Máy In Tiền"  Cổ Nghĩa - Lạc Thủy - Hòa Bình

 

Lúc này, chính quyền đã dùng nhiều biện pháp gấp rút như: " Quỹ Độc Lập", "Tuần lễ vàng",.. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời, chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, còn về lâu dài, bắt buộc phải có 1 tổ chức in ấn và phát hành tiền giấy bạc tài chính Việt Nam.

Đứng trước tình hình khó khăn về tài chính đó, tháng 10/1945 đồng chí Phạm Văn Đồng, bấy giờ đang là Bộ trưởng Bộ Tài chính, được giao trọng trách việc in và phát hành tiền mới.

Trước Cách Mạng Tháng Tám, cả Đông Dương có 2 nhà máy in tiền là Nhà máy Viễn Đông va Tô Panh nhưng đều bị quân Tưởng và thực dân Pháp chiếm đóng. Đúng lúc đó, ông Đỗ Đình Thiện – một nhà tư sản Việt Nam yêu nước đã tự bỏ tiền và đứng tên mua lại nhà máy Tô Panh( ngày nay là cửa hàng bách hóa số 5 đường Nam Bộ - đường Lê Duẩn – Hà Nội). Nơi đây được dùng làm nhà máy in tiền và lấy tên là Việt Nam Quốc gia ấn thư cục để đảm bảo bí mật.

Ngày 31 tháng 1 năm 1946, Hồ chủ tịch ký sắc lệnh 18.SL cho Bộ Tài Chính phát hành tiền “ Giấy Bạc Việt Nam” từ vĩ tuyến 16 trở xuống, sở dĩ phát hành ở các tỉnh Nam Trung Bộ trước vì ở đây không có quân đội nước ngoài chiếm đóng, chính quyền cách mạng hoàn toàn làm chủ và phong trào quần chúng rất mạnh. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1946, đồng tiền đã có mặt ở khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Tiền tài chính này dần lan ra Hà Nội nên ngày 13 tháng 8 năm 1946 có sắc lệnh 154.SL cho phép phát hành Giấy bạc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở lên lưu hành song song với tiền Đông Dương với tỷ giá 1:1. Tiền được in trên giấy bồi từ vỏ cây xay do Sở ấn loát tài chính Trung Bộ và Ủy Ban Tổng phát hành Giấy bạc Việt Nam in ấn, trên có in hình chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian hoạt động, cơ sở Tô Panh bị lộ, Chính quyền quyết định sơ tán. Lúc này Đồng chí Đỗ Đình Thiện mua lại đồn điền Chi Nê từ một ông chủ người Pháp tên là Bô Ren với giá 2000 lượng vàng và cho Chính Quyền mượn làm nhà máy in tiền. Đồn Điền Chi Nê ( ngày nay thuộc xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), rộng khoảng 7300 ha, trước đó là nơi chế biến cà phê, chuồng trại trâu bò…

 

 Đồn điền Chi Nê thời bấy giờ

 

Bấy giờ, kĩ thuật in tiền còn thô sơ, các công đoạn là in lần lượt từng màu đến số sê ri rồi cắt, mệnh giá lớn được ốp sét, mệnh giá nhỏ được in bằng máy sốp, ti pô ( có các mệnh giá 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào). Tiền in xong được đóng vào hòm, chở bằng xe bò hoặc xe ngựa đến nhà ông Bùi Văn Xin xóm Đồng Trung, xã Cổ Nghĩa.

Ngày 31 tháng 11 năm 1946, Quốc hội họp kì thứ hai ra quyết định phát hành tiền và thu hồi tiền Đông Dương( các mệnh giá 1đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng).

Tháng 4 năm 1947 , thực dân Pháp tấn công Hòa Bình, Chính phủ lệnh cho Bộ Tài Chính chuyển nhà máy lên căn cứ địa Việt Bắc. Ở Việt Bắc, đồng chí Đỗ Đình Thiện tiếp tục phụ trách về máy móc, phương tiện cho binh công xưởng, sản xuất giấy cho nhà máy. Ông giữ chức Giám đốc trưởng nhà máy Trần Hưng Đạo với bí danh là Hai Chi .

Chi Nê là khu di tích lịch sử cách mạng, chính nơi đây “tờ bạc trâu xanh” có mệnh giá lớn nhất 100 đồng ra đời. Nơi đây cũng ghi dấu ấn lịch sử là nơi Bác Hồ thăm 2 lần. Nhất là vào ngày 21 tháng 2 năm 1947, tên đường đi công tác ở Thanh Hóa, Bác căn dặn: “ Đây là nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc”.


Tờ bạc trâu xanh 100 đồng 

 

20 đồng công thương 1948, 100 đồng đỏ 1948, 5 đồng công nhân 

 

Bác Hồ đến thăm nhà đ/c Đỗ Đình Thiện 

 

Năm 2007 nhà máy in đồn điền Chi Nê được Bộ Thể Thao Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, UBND tỉnh tiến hành quy hoạch xây dựng Khu di tích lịch sử nhà máy in tiền 2 giai đoạn, tổng dự án 15,5 ha, kinh phí 270 tỷ đồng.

Di tích đồn điền Chi Nê

 

Hiện nay ngôi nhà của ông Đỗ Đình Thiện và căn hầm Bác ở vẫn được giữ gìn và bảo tồn phục vụ cho nghiên cứu và tham quan.

Để ghi nhớ công ơn của đồng chí Đỗ Đình Thiện, chính quyền và nhân dân xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy đã lấy tên Ông đặt cho một Trường mầm non ở Xã. Sinh thời, Bác Hồ nhắc đến gia đình Ông Đỗ Đình Thiện đã nói rằng: “ Gia đình ấy với mình chỉ là một”.

 

Chân dung đ/c Đỗ Đình Thiện

 

Năm 1950, ông bà Đỗ Đình Thiện – Trịnh Thị Điền được Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tặng thưởng Huân Chương Kháng chiến hạng Nhì – 1 trong 2 trường hợp cả hai vợ chồng được tặng thưởng Huân chương vào thời kì đó.

 Viết về Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam để nhớ về một thời đất nước khó khăn và những cố gắng, đóng góp đáng trân trọng cho sự vực dậy và định hình đồng tiền thuộc chủ quyền của Việt Nam.

poll load
Bình luận