Xin chào! Bạn có thể Đăng nhập hoặc Đăng kí.
EnglishVietnamese

Đập Bái Thượng - Những câu chuyện ly kì về cuộc đời người thăm dò chân đập

Thời gian đăng: 13-11-2014 18:14 | 42740 lượt xemIn bản tinIn bản tin

Đập Bái Thượng - Những câu chuyện ly kì về cuộc đời người thăm dò chân đập

Ý nghĩa của tờ 2 hào 1958 - hình ảnh em bé chăn trâu cạnh đập Bái Thượng.

Những ai chơi tiền xưa chắc hẳn đều biết đến tờ 2 hào 1958 – tờ tiền thuộc thời Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa phát hành năm 1958. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa hình ảnh em bé chăn trâu cạnh đập Bái Thượng trên tờ 2 hào năm 1958. Đó là hình ảnh tượng trưng cho hòa bình non nước: Những người dân – những em bé chăn trâu không còn phải sợ khi chăn trâu bên cạnh đập Bái Thượng, nơi mà vào thời thực dân Pháp đô hộ, mọi người đều bị cấm chăn trâu ở đó.

Thông qua truyện ngắn Bí mật của đập Bái Thượng của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, chúng ta có thể biết thêm một vài điều về Bái Thượng như sau:

Thời điểm: Trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta, vào khoảng những năm 1898, Toàn quyền Đông Dương đã nhắc nhở viên khâm sứ Bolloche về việc nhanh chóng ổn định và bắt tay vào việc khai thác thuộc địa. Cũng lúc này, tại vùng thượng du Thanh Hóa (Bái Thượng) bị mất mùa liên miên do hạn hán, nạn cướp bóc ở miền núi tràn xuống đồng bằng,… và ngay lập tức, viên khâm sứ đã lên vùng này thị sát.

Hoàn cảnh xây dựng: Trong quá trình thị sát, viên khâm sứ quan sát và bị ám ảnh bởi hình ảnh Vùng Bái Thượng với dãy nũi và thác nước cuồn cuộn sủi bọt. Sau này khi được lên chức làm khâm sứ Trung Kỳ, Bolloche thưa lên Toàn quyền Đông Dương về việc khai thác nguồn lợi của dòng nước sông Chu.

Đặc điểm công trình đập Bái Thượng:

“Lúc đầu đập Bái Thượng chỉ đề cập tưới nước cho 15 ngàn héc ta của huyện Thọ Xuân, nhưng kết thúc vào năm 1913, được tính toán cho 70 ngàn héc ta của hầu hết đồng bằng châu thổ Thanh Hoá (vùng hữu ngạn sông Chu) nước có thể dẫn tới dải cát ven biển của Quảng Xương, ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, về phía Nam tận vùng sông Yên. Tưới tiêu dùng bằng trọng lực sẽ giải quyết được mọi mùa vụ... Công trình được bắt đầu vào cuối năm 1918, đập ngăn nước được xây về phía bên phải làng Bái Thượng... 

Có dãy núi Vân Ban và Diệp Thạch bên tả ngạn sông Chu, sẽ tạo ra nền móng vững chắc cho con đập. Mực nước theo tính toán ban đầu 90m khi mực nước trung bình... Đập hình chữ V quay đuôi về thượng lưu và có thể nâng mực nước thấp đi từ 11 mét lên 16 mét 80. Đập được xây bằng bê tông cốt sắt, đúc bằng xi măng nhân tạo Porland của nhà máy xi măng Hải Phòng. Việc thi công được giao cho nhiều công ty Đương Dương (Năm 1900 một công ty tư nhân là công ty thuỷ lợi Trung Kỳ xin thầu việc xây dựng và bảo đảm cho nông dân trả thuỷ lợi phí, nhưng yêu cầu không được chấp nhận... 

Rồi công ty sông biển Hải Phòng, công ty sông biển Nam Kỳ...) Việc thi công ban đầu gặp rất nhiều khó khăn vì móng đập đào sâu 2 mét gặp nền đá, mà nền đá lại thất thường, do đó bề mặt của công trình lên  cao 20 mét... Các công ty trúng thầu đã sử dụng toàn bộ nhân công người địa phương, nhất là người Bắc Kỳ và một vài chuyên gia Trung Quốc.


Trên phía hữu ngạn nối liền với đập là một cống nhằm mục đích tháo nước thừa, một âu bảy cửa có thể cho 4 mét khối nước chảy trong một giây, nhiều hơn lưu lượng nước nhỏ nhất của sông Sen ở Pa ri. 

Nước này chảy vào con kênh rộng 251,50 mét. Kênh này sau khi chảy qua đồi Mục Sơn, qua phủ lỵ Thọ Xuân  thành hai nhánh phụ theo đường chỏm. Kênh bắc cách bờ sông Chu đi qua mạn thị xã Thanh Hoá, trườn qua sông đào Phát Diệm bởi một cống ngầm có hút nước quặt về phía Nam uốn mình theo sông Yên cho tới tận bờ biển Quảng Xương. Kênh nam ở Nông Cống chảy sát ranh giới phía Tây châu thổ và cũng đến sông Yên ở gần ga Thị Long... 

Từ hai lưu lượng được điều chỉnh bởi những cống chảy, rồi đến các máng nhỏ chảy thẳng vào đồng... Các máng này do dân các làng tự làm lấy dưới sự hướng dẫn của nhân viên sở công chính... 

Cả hệ thống kênh mương này dài 2135km, tính ra 1km tưới cho 28 héc ta chi phí tổng cộng kể cả công trình hơn 3 triệu đồng Đông Dương.

 

đập Bái Thượng - Thanh Hóa

 

Công trình đáng phục này không có công trình nào ở Viễn Đông lớn bằng (Miến Điện có hệ thống sông Suattô cũng gần bằng hệ thống Bái Thượng, công trình Ấn Độ có khả năng lớn hơn v.v...) khánh thành vào tháng 1/1926... 

Thời kỳ đầu nhiều quan chức cai trị Pháp không tin vào sự thành công này. Giai đoạn đầu cho nước chảy, thường chỗ đê cao hay vỡ khi đi qua ruộng sâu và ruộng ngập nước, nhưng ngày một giảm dần tai nạn vỡ đê, ngập nước. 

Bờ đê ngày càng được tôn tạo thêm. Việc phạt tiền và đánh đòn các lý trưởng không cai quản đê để nông dân cho trâu bò ra đê làm hư hại được quan cai trị Pháp tiến hành nghiêm ngặt. Một điều rất lạ là, quản lý hệ thống kênh mương ở đồn chỉ có ba người, có máy điện thoại. 

Người đi tuần sử dụng ngựa, lúc đi bên này kênh, khi về đi phía kia, thật tiện lợi, ít tốn kém. Nhược điểm duy nhất của công trình thuỷ lợi Bái Thượng là không hề có hướng sử dụng điện mà chỉ thuần tưới nước phục vụ cho nông nghiệp. 

Hoặc không sử dụng mặt bằng phía trên của đập Bái Thượng làm cầu giao thông cho hai bờ tả và hữu ngạn để đi lại... Có lẽ để đảm bảo sự bền của đập Bái Thượng chăng?"

 

           

(Đập Bái Thượng trên tem Việt Nam)

Câu chuyện về cuộc đời người thăm dò chân đập Bái Thượng

"Lão chống bè thuê người Xuân Thiên kể lại cho con rằng: Ông là chàng trai nổi tiếng gan lì vùng sông Chu. Ông đã từng đánh nhau với bọn thuế quan ở trạm Bái Thượng. Chúng muốn bắt dân buôn gỗ phải dừng lại để nộp thuế. Họ đều rất sợ thằng Tây lai đen có tài bơi như rái cá. Quê nó ở tận hòn đảo Cos xa xôi kia... Thấy nó là dân buôn bè cứ run lên cầm cập. Nhìn bộ râu quai nón của nó đã phát khiếp, tua tủa như một chiếc bàn chải chổng ngược. Nó gầm lên một tiếng chửi tục: “Mec xi lù...” là bơi ra tóm gọn con sào... có thoát đằng trời... Đỏ Kều – Tên ông ta, ban đầu cũng sợ lắm... Nó cao gấp rưỡi mình, lại được ăn uống toàn thứ đắt tiền. Chân dò hầm măng, mục nhĩ. Thịt gà nhồi nấm hương. Bánh mì phết bơ. Còn chuyện thịt luộc, sang bên ta nó mới học được cách ăn. 

Một mình ngồi dang tay không xé, cầm cả cái thủ lợn nặng bảy cân ăn không để sót tí da. Người ta kể lại, nó dùng răng ngạm từng miếng thịt thủ. Ghê chưa. Ông Đỏ Kều giật mình khi thằng Tây đen túm bờ vai: - Mài có phải là thằng hay chèo bè trốn thuế hớ? – Nói rồi nó bợp vào tai Đỏ Kều phủ đầu... Ông phải trốn lên miền thượng du mất hai năm làm đệ tử cho lão Trư Phầu... Ông học mót võ thuật của bọn lục lâm... Nhưng bài học Đỏ Kều rút ra là võ cùn... Trở về ông lại đi chống bè thuê... Qua thác nước sông Âm, cả vùng này chưa đếm được đầu bàn tay... Có nhiều kẻ phải bỏ mạng trong hắp nước cuộn tròn như thể dưới đó có thuỷ quái. Ông đã tương vào bộ hạ thằng Tây một cú khi nó thích đầu gối vào ngực ông, định dìm cho ông chết... Chính cú võ liều này mà nó tha cho ông được tự do chống bè trốn thuế... 

Nghe tin quan Pháp về làm đập Bái Thượng, Đỏ Kều cũng buồn lắm... Thế là hết nhá... Anh hùng nhất khoảnh lục tặc xó nhà!... Đỏ Kều buồn rớt mồng tơi, chèo chiếc thuyền mủng giả vờ câu quăng để ngó mấy chiếc ca nô chạy bằng động cơ... Đỏ Kều tiếc lắm.... Giá mà có tiền mua được một chiếc này, ta sẽ làm vua trên sông nước... Ông hoa mắt lên vì thấy thằng Tây đen ngụp lặn dưới chân dãy núi Vân Ban sang tận mạn bên sông... Thằng Tây lai chừng như đã mỏi mệt, trèo lên ca nô thở phì phò như bò... Nhưng nó nhìn thấy Đỏ Kều... Nó nói câu gì với thằng đội mũ phớt mặc bộ đồ tây trắng, tay chống cái can có chạm khắc đầu chó ngao... Thằng này vảy chiếc can ra điều gọi Đỏ Kều. Đỏ Kều làm bộ tịch không thèm biết chuyện chi, bắt buồi đái tong tỏng xuống sông. Thằng cha cầm chiếc can cho ca nô chạy xộc đến suýt làm lật chiếc thuyền tép của Đỏ Kều. Nó trở đầu can củng vào đầu Kều:

- Mẹc. Tại sao không đến?

- Bẩm quan... Con không hiểu...

Đỏ Kều rất ghét kiểu dùng can củng lên đầu của nó, nhưng biết làm sao được, khi cái thân là nô lệ...

Ông được sung vào chân thợ lặn phụ... Ông biết do cái cú chơi vào bộ hạ thằng Tây đen mà kiếm được cơm ăn. Thằng Tây đen bơi lại con thuyền tép của ông, trèo lên làm cho thuyền chòng  chành suýt lật:

- Ê! Thằng Mít (nó có thói quen gọi rất khinh miệt người bản xứ bằng từ này)... Tao đền ơn cho mày cú “Mẹc xi lù", hớ!

Đỏ Kều mừng rơn. Chống bè thuê kiếm ăn thật mạo hiểm. Đưa tính mạng ra đùa với hòn tên mũi đạn đâu có dễ chịu. Thằng chủ bè nó muốn buôn “cơm đen” thì mình tù mọt gông. Nghĩ vậy Đỏ Kều nhận lời. Ngày ba bữa cơm rượu lại còn đồng bạc dắt khố. Quan Khâm sứ đến tận nơi bắt tay Đỏ Kều, giọng ân tình:

- Nếu mà cố gắng sẽ được trọng thưởng nghe chưa...

Một bên là thằng Tây đen, một bên là Đỏ Kều kéo giây chăng hai bên bờ để đo độ rộng hẹp. Mấy đứa choai choai tưởng làm nghề sông nước dễ, lặn xuống chân vỉa đá liền bị con nước lật lên, ném đi xa... Đỏ Kều nhờ mấy tay chèo thuyền lọc lõi chở lên trên thượng lưu, ôm đá nhảy xuống dò chân móng. Do cuộc đời chìm nổi ba đào nhiều năm đi chống bè thuê trốn thuế vụ mà Đỏ Kều ước tính được độ dài nông sâu của vỉa đá ngầm dưới chân dãy Vân Ban. Từ một kẻ tứ cố vô thân, thành phần bất hảo, y đã trở thành con người có tiếng khắp vùng. Có tiền làm thuê, Đỏ Kều sắp được thưởng bắc đẩu bội tinh vì tìm được vị trí để xây móng... 

Người dân ven sông Chu và cả vùng tả ngạn sông chứng kiến một sự kiện phi thường. Suốt chiều dài sáu mươi cây số, lý trưởng các làng đến đốc quân đào đắp đê của Đập Bái Thượng... Tiếng khóc ai oán ở các làng do phải dỡ nhà khỏi vị trí cắm mốc con đê chạy qua... Bolloche sau này có dịp quay lại Bái Thượng với cương vị khâm sứ Trung Kỳ, trong tay cầm chiếc can có bịt bạc gõ gõ vào lưng Đỏ Kều:

- Ngài... mà có học thì con đường thăng quan không biết đâu mà lường...

Đỏ Kều nổi máu giang hồ chửi thầm trong bụng:- Sư mày nếu có học tao lại phải đi lặn thuê cho mày hở? Mặc dù ba gai, anh chị nhưng trước mũi súng của các cậu lệ, làm sao Đỏ Kều dám hé răng ra. Đỏ Kều như kẻ động rồ từ một thằng khố rách áo ôm trở thành “quan lại” của mẫu quốc.

Chuyện là thế này, sau thời gian xây đập Bái Thượng, vì có công nên Đỏ Kều được sung vào gác kho vật liệu suốt sáu bảy năm trời... Trong thời gian đó, lão học được một ít tiếng Tây bồi... Rồi vận may lại đến với Đỏ Kều, do vác gậy đi tạp dịch mà y lại vớ được một người đàn bà phố Bái làm nghề lăng loàn... Chẳng sao, cái thân bờ bụi của Đỏ Kều có ra chi mà chê bát canh thừa... Cô nàng lại là người biết chữ nghĩa... Lạ thay, bộ óc tăm tối, đầy chất lưu manh của kẻ chém thuê chém mướn lại được khai sáng... Cũng do con vợ vô thừa nhận của y cả đấy thôi... Vợ Đỏ Kều trấn nợ được con ngựa bạch mà y thì trót nói phét trước dân anh chị, bợm rượu: Có khó quái gì chuyện cưỡi ngựa... Tao cóc cần tập... Thế là cả bọn khoác lác, quát tháo, nhao nhao đánh cáp... Đỏ Kều phốc cái đã nhảy phắt lên quắp chặt lấy con ngựa bạch... Con ngựa do đói khát hay sao mà ngoan ngoãn phi nước kiệu... Hành động của Đỏ Kều không lọt khỏi con mắt của quan khâm sứ... Ông chỉ nói thầm một câu, số phận của Đỏ Kều được quyết định...

Phần cuối:
Tôi quen Toan, cô gái ở trạm thủy nông sông Chu, nhà em ở ngay đập Bái Thượng. Em nói, từ ông ngoại đến cha em đều nghề tưới tiêu cho ruộng đồng. Em bảo mẹ em có nhiều chuyện hay lắm về con đập... Tôi đã nhiều lần về Bái Thượng. Bái Thượng gần gũi với tôi bởi lẽ, chỉ cần mười bảy cây số là đến vùng quê tôi. Con đập Bàn Thạch có nhà máy thuỷ điện ở đó, mà hồi nào tôi đã tự hào nói với đồng đội mỗi khi nhìn vào tờ bạc hai hào có hình con đập (2 hào 1958) – Cậu biết không, quê tớ có nhà máy thuỷ điện đầu tiên ở Đông Nam Á. Thì ai mà chả biết công suất hết sức bé nhỏ, nhưng nhà máy thuỷ điện Bàn Thạch vốn là công trình thuỷ điện đầu tiên – ở đó, suốt một thời chiến tranh, bạn bè tôi đã kéo pháo về bảo vệ đập nước... Sau này có dịp đi Quảng Nam, vào An Hoà - Đức Dục, gặp đập Thạch Bàn,  mới thấy công trình thuỷ lợi Bái Thượng là lớn lao vĩ đại.

Lại nói chuyện do quen Toan mà em đã dẫn tôi về thăm nhà. Mẹ Toan là bà già đôn hậu. Mỗi lần kể về người cha mình bà thường chép miệng thở dài: – cha tôi ấy mà... Người cha tội nghiệp, ông có tài lặn xuống thăm dò chân con đập. Ông là người được cấp ngựa bạch đi tuần kênh. Sáng ông đi bên này sông, trưa ông phóng bên kia sông, gặp trâu bò thả bên bờ sông là ông gọi lý trưởng của các làng đến bắt nằm xuống dùng hèo mà đánh. Bởi vậy ông cũng bị oán. Một lần ông bắt lý trưởng Thạch Cương nằm đánh cho một trận nên thân. Ông bị bọn trai tuần của làng này thù oán và một lần do uống rượu say từ thành Thanh Hóa về, ông bị chúng dùng dây căng ở lối cầu Chi Lai, làm cho ngã ngửa. Năm đó bà đã được năm tuổi đời. Bà theo mẹ về phố Bái sống... Chính đất Bái Thượng là nơi cha của bà trút hơi thở tàn, và bà nguyện sống ở nơi con đập này.

Do nghề làm báo tôi đã lang thang khắp mọi nẻo đường. Tôi thầm cảm ơn Toan vì em mà tôi đã ghi được câu chuyện về người chống bè của làng Đầm - ông ngoại Toan. Tôi hỏi bà:

- Bà thấy phố Bái Thượng giờ so với ngày xưa có khác không?

- Khác chứ! Ngày xưa là nơi bọn buôn lậu xuất hiện, và buôn thuốc phiện cũng được bán như gạo. Giờ đã lùi xa rồi... Nước con đập hình như ít hơn ngày xưa rồi.

Dừng lại, bà lấy trầu ra nhai, cười vói tôi:- Nói dại tôi cứ sợ một ngày nào đó không còn nước nữa, thì anh bảo cả cái tỉnh này đói...Và cái đập Bái Thượng và ông tôi... ông Đỏ Kều ấy?

Tôi biết nỗi sợ đó đâu là vô cớ... Rừng giờ đã lùi xa rồi... còn đâu mà xanh ngút ngàn khi nhìn về phía Bái... Ngay cả vùng rừng lim nữa, đã bị tàn phá để đóng tủ, bàn ghế... Tôi muốn nói với Toan một điều: - Ngày nào đó anh về lại Bái Thượng tìm những bí mật con đập này. Nhưng chuyện đó không bao giờ thực hiện được, lý do tưởng chừng rất đơn giản, nhưng ngẫm kỹ ra thật phức tạp.

Tôi đã ngỏ lời cầu hôn cùng Toan, nhưng em đã ra một điều kiện. Nếu anh thực sự yêu mến em, anh phải chuyển hẳn về sống ở Bái Thượng hoặc sang làm nghề sông nước cùng em. Toan nói chắc như đinh đóng cột: - Chả lẽ yêu nhau mà không thể hy sinh vì nhau được hay sao? Từ đời ông ngoại em đến đời cha mẹ em đã gắn bó với đập Bái Thượng, sông Chu, anh không thể sống với những ký ức của vùng quê này sao?

Tôi rất muốn giải thích cùng Toan, rằng không nhất thiết cứ phải về Bái Thượng mới tiếp tục được nghề, mới yêu con đập của các cụ. Cần xa nó để yêu... Nhưng Toan lại nói, cứ ở Bái Thượng cũng làm được điều gì đấy. Ví dụ như đẻ con chẳng hạn... Tôi biết, đập Bái Thượng còn chứa đựng bao câu chuyện. Chuyện phu phen tạp dịch thuở xưa, chuyện dân buôn lậu gỗ nứa, thuốc phiện, chuyện các cô gái đôi bờ yêu thương nhau mà không lấy được nhau, trầm mình theo dòng sông Chu, trôi mãi về tận Vạn Hà, Hàm Rồng... Chuyện những đời người cần mẫn chăm sóc con đập, kênh mương, chưa một lần ra Thủ đô, chưa một lần đi tầu hoả... Ở đó là những pho chuyện còn tinh khôi, như hương vị ngai ngái của lá rừng, của nước sông... của mối tình tôi và Toan... gắn bó với số phận đầy bi tráng của con đập... Loài người xây đập để lại nước trời, tưới cho cây cối lên xanh, để cho hương vị của đồng ruộng xứ Thanh mãi mãi đi vào câu hát ngợi ca sự kỳ diệu của dòng nước...Nhưng mà câu nói của Toan làm tôi run sợ:

- Anh không nhận ra hay sao? Em còn là giọt máu của Tây lai nữa đấy?”

poll load
Bình luận