Xin chào! Bạn có thể Đăng nhập hoặc Đăng kí.
EnglishVietnamese

Khó kỳ vọng dòng tiền mới năm 2012

Thời gian đăng: 21-04-2014 17:13 | 569 lượt xemIn bản tinIn bản tin

Có lẽ 2011 là năm thất vọng nhất đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) chảy vào Việt Nam kể từ khi chúng ta trở thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chứng khoán và bất động sản liên tục đi xuống, chưa thấy điểm dừng. Thị trường vay nợ bên ngoài gần như đóng băng do sự rắc rối từ khoản nợ của Vinashin.

 

Liệu cơn mưa đã qua chưa để trời hửng sáng là điều được nhiều người quan tâm. Theo người viết bài này, với những gì đang xảy ra trên thế giới và thực tế ở Việt Nam, chưa thể kỳ vọng có sự đột biến của dòng vốn FPI vào Việt Nam trong năm 2012. Tuy nhiên, nếu quyết tâm đảm bảo ổn định vĩ mô song song với việc cải thiện môi trường kinh doanh được duy trì thì bức tranh trong vài năm tới có khả năng sẽ sáng hơn.

 

Bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể sáng

 

Kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng trì trệ khi mà các động thái chính sách của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hướng đến tranh giành khả năng thắng cử trong cuộc đua vào Nhà trắng vào tháng 11 năm nay. Khả năng hai đảng cùng ngồi lại để đưa ra những chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế sẽ không cao. Xu hướng vẫn là giằng co và tranh giành ảnh hưởng.

 

Đối với khu vực đồng euro, cả Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Sarkozy đều thừa nhận rằng tình hình của khu vực này sẽ khó khăn trong thời gian tới. Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới, dự báo rằng khu vực châu Âu sẽ rơi vào suy thoái và chỉ có khả năng ổn định vào cuối năm 2012.

 

Trong bốn nền kinh tế lớn nhất ở các nước đang phát triển (BRIC), có lẽ sẽ không có sự thay đổi đáng kể về chính sách ở Ấn Độ và Brazil, trong khi đó động thái “chờ” có thể xảy ra ở Trung Quốc và Nga.

 

Ở trường hợp Trung Quốc, tuy ông Tập Cận Bình dường như chắc chắn sẽ là người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, nhưng vẫn còn nhiều ẩn số ở những vị trí chủ chốt khác. Ai lên, ai xuống sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đường hướng kinh tế của nước này.

 

Đối với Nga, khả năng ông Putin sẽ trở lại cương vị tổng thống gần như chắc chắn, nhưng cuộc bầu cử sắp tới là thước đo uy tín của người lãnh đạo nước Nga trong hơn một thập kỷ qua.

 

Đỉnh điểm của mùa xuân Ảrập đã qua, nhưng những dư chấn của nó vẫn đang kéo dài. Khả năng thêm một vài nước nữa mà trước mắt là Syria có sự thay đổi chế độ là rất cao. Định hình về địa chính trị trong khu vực này như thế nào vẫn đang là dấu hỏi lớn. Ai Cập vừa kỷ niệm một năm sự kiện này trong tình trạng chia rẽ sâu sắc.

 

Sự qua đời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il vừa đặt ra những thách thức cũng như cơ hội cho tam giác phát triển và cũng là động lực kinh tế của toàn thế giới gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu bức tranh theo chiều sáng thì dòng vốn sẽ chảy mạnh hơn vào khu vực này.

 

Trong bối cảnh quốc tế như vậy, xu hướng chung của các nhà đầu tư quốc tế vẫn là phòng thủ và có lẽ không quan tâm nhiều đến các nền kinh tế còn nhỏ như Việt Nam.

 

Chưa thể lạc quan với các yếu tố bên trong

 

Thất bại của người này có thể là cơ hội cho người khác. Sự tuột dốc không phanh của chứng khoán và bất động sản đang đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Đây là cơ hội cho nhiều người. Do vậy, có giả thuyết cho rằng dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ quay trở lại. Việc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp, chuyển nhượng các dự án sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới.

 

Thực ra, có lẽ đây chỉ là cảm nhận của “người trong nhà” hay những nhà đầu tư đang ở Việt Nam. Góc nhìn từ bên ngoài có lẽ không lạc quan cho lắm. Các thông số vĩ mô căn bản vẫn chưa thể hiện xu hướng rõ ràng và các tín hiệu tích cực vẫn còn rất yếu.

 

Bóng ma lạm phát, yếu tố gây ra bất ổn vĩ mô, xói mòn lòng tin và ảnh hưởng sức cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn quá lớn. Thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại đã được cải thiện, nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Hơn thế, tuy đầu tư tính theo phần trăm GDP đã giảm, nhưng tỷ phần đầu tư công trong tổng đầu tư lại gia tăng. Đây chính là biểu hiện của sự chèn lấn và nguồn vốn chưa được sử dụng hiệu quả nhất.

 

Điều đáng nói nhất là sự không nhất quán cộng với một số chính sách chữa cháy của chúng ta đã làm mai một rất nhiều lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế. Cho dù đầu năm mới, nhưng vẫn phải nhắc lại rằng sự kiện chậm trả nợ của Vinashin đã tạo ra điểm đen rất lớn trong mắt các nhà đầu tư bên ngoài mà có lẽ phải một thời gian khá lâu mới có thể nhòa đi với điều kiện các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới phải nhất quán hơn theo hướng đảm bảo ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Tóm lại, cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế, cho dù có “kinh nghiệm đầy mình” nhưng chủ yếu vẫn hành xử theo đám đông. Đây là cái khó của Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. Khi mô-men tích cực của năm 2007 đã bị bỏ lỡ, môi trường kinh tế vĩ mô trong nước trở nên bấp bênh hơn rất nhiều đã làm Việt Nam trở thành “địa điểm bị lãng quên” giống như Indonesia sau năm 1997. Điều này có khả năng sẽ làm cho dòng vốn gián tiếp, nhất là nguồn vốn của các nhà đầu tư lớn, chưa thể trở lại Việt Nam năm 2012 này.

poll load
Bình luận